Phong thủy nhìn từ kiến trúc hiện đại

Thời gian gần đây, xu hướng ứng dụng Phong thuỷ trong mọi lĩnh vực ngày càng nhiều, từ việc xây dựng nhà cửa, tu tạo lăng mộ cho đến các xưởng sản xuất và cơ quan hành chính. Xu hướng này phải chăng là một sự tất yếu khi mà xã hội bắt đầu có sự sung túc thịnh vượng nên người ta đã rộng rãi nghĩ đến bắt chước người xưa? Hay do tính hiệu quả của phong thuỷ được ứng dụng gần như suốt chiều dài của lịch sử văn minh Đông phương? Vậy thực ra Phong thuỷ là gì? Và nó có mối liên hệ thế nào với kiến trúc hiện đại mà lại được quan tâm như vậy.

Phong thuỷ là gì

Theo từ điển Hán Việt thì Phong là gió, Thuỷ là nước. Phần lớn chỉ quan niệm đơn giản cho rằng: Phong thuỷ là một khoa chuyên nguyên cứu về quan hệ giữa gió và nước và ảnh hưởng của nó đối với đời sống con người. Nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thì quả là chưa đánh giá đúng cái chân giá trị và vai trò của Phong thuỷ trong đời sống con người!

Lịch sử hình thành các dân tộc phương Đông có khoảng trên dưới năm ngàn năm thì cũng gần hết chiều dài lịch sử đó đã thấy có sự xuất hiện của Khoa Phong Thuỷ. Những văn bản cổ xưa nhất đã ghi dấu lại bằng giáp cốt văn (chữ nòng nọc – Khoa đẩu) sau khi giải mã đã cho thấy rõ điều này. Các thành ngữ trong dân gian như: “Chọn đất mà ở” (trạch địa nhi cư),

“Gần nước hướng về mặt trời” (cận thuỷ hướng dương) cho thấy các quan niệm chọn đất có phương pháp đã phổ biến rộng rãi trong tư tưởng mọi người. Điều này chỉ ra rằng: đã có một hệ thống tư tưởng định hướng cho dân cư cổ đại trong việc chọn địa bàn sinh sống khi thời kỳ quần cư bắt đầu. Dấu vết này cũng có thể nhận thấy trong Kinh Thi là tập hợp ca dao tục ngữ cổ. Những sách vở được coi là vào thời kỳ Thương, Chu các địa danh đã có sự phân định khá chi tiết như đồi, núi, gò, đống chỉ những khu vực địa hình cao so với sông, suối, lạch, ngòi là những từ để mô tả những khu vực thấp trũng mang nước. Chứng tỏ con người thời kỳ này đã ý thức rất rõ về sự khác biệt giữa hình thể và tác dụng của nó ảnh hưởng thế nào đối với con người. Ngoài ra, sử sách khi nói về sự kiện xe chỉ hướng Nam có từ thời thượng cổ, cũng chỉ ra được thành tựu của con người trong việc định phương hướng địa bàn.

Phong thuỷ đã có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của các quốc gia phương Đông, như góp phần hoạch định những khu Kinh thành sầm uất náo nhiệt, kiến tạo nên những cung điện nguy nga, khiến Tây phương cũng phải ngưỡng mộ.. Có thể nói Phong thuỷ tồn tại song hành với lịch sử phát triển của con nguời hàng nghìn năm. Tính hiệu quả của phong thủy trong xã hội Đông phương là không thể phủ nhận.

Đã có thời gian Phong thuỷ được đánh đồng với tôn giáo. Thậm chí bị coi là nhảm nhí, là mê tín dị đoan cũng chính do cách giải thích thiếu hiểu biết của chính các thầy Phong thuỷ, muốn thần thánh hoá, làm thần bí phức tạp thêm trong con mắt của gia chủ nhằm trục lợi cho bản thân. Con ngày nay, phong thuỷ đã được coi là một đối tượng nghiên cứu khoa học. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã có những cơ quan nghiên cứu về phong thuỷ.

NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG CỦA PHONG THUỶ VỚI KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI

Có ai đó đặt vấn đề rằng: Liệu có hay không tồn tại một Khoa Phong thuỷ ở tây Phương hay một câu hỏi cụ thể hơn là: Các công trình xây dựng của Pháp trên đất nước Việt Nam đã tồn tại cả trăm năm nay, liệu có sử dụng giải pháp gì về Phong thuỷ mà lại tồn tại dài lâu đến vậy?

Trước hết xin đưa ra quan điểm của người viết dưới góc nhìn của một kiến trúc sư: Để một công trình kiến trúc có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài hàng trăm năm ấy nó phải đạt đựơc ít nhất là hai yếu tố:

* Thứ nhất là về tính thẩm mĩ của công trình;

* Thứ hai là phải hợp lý trong công năng sử dụng.

Xét duới tiêu chí Phong thủy, để công trình kiến trúc tồn tại một thời gian dài thì các yếu tố về cân bằng Âm dương và Ngũ hành phải đạt đến mức độ chuẩn mực. Khi các yếu tố về Âm Dương và Ngũ hành cân bằng – tức là tính thẩm mỹ, tính hài hoà và cân đối cao – thì tự bản thân công trình sẽ có tác động tích cực đến ý thức con người, khiến người ta trân trọng và có ý nghĩ bảo tồn nó.

Trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc, sự phối hợp giữa các mảng đối lập tạo nên tính thẩm mỹ công trình (về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu). Trong cân bằng có yếu tố cân bằng động và cân bằng tĩnh. Để có được sự cân bằng này thì việc điều chỉnh các mảng đối lập nhau như mảng đặc đối với mảng rỗng, phần gồ ghề với phần phẳng nhẵn, phần có kính đối với phần còn lại, diện tích sân vườn và diện tích công trình phải tìm được sự hài hoà nghĩa là đạt được những tỷ lệ chuẩn mực. Những yếu tố cần về sự hài hoà trong kiến trúc hiện đại trên đây cũng chính là quan niệm của Phong thuỷ với khái niệm hài hoà Âm Dương và tính tương sinh của Ngũ hành.

Sự  vận hành trơn tru của dây chuyền công năng tạo nên sự hợp lý của một công trình kiến trúc và cũng chính là sự vận động của dòng khí dưới góc nhìn  Phong thuỷ.

Quan niệm của Phong thuỷ cho rằng: khi dòng khí vận động không có sự hỗn loạn. Tức là sự bố trí hợp lý dây chuyền sản xuất, hoặc cấu trúc bên trong ngôi nhà không bị chồng chéo, phức tạp thì công trình đó sẽ ổn định lâu dài. Hay nói cách khác một công trình không hợp lý về mặt công năng, thì qua quá trình sử sụng  sẽ phải cải tạo lại. Quan niệm của Phong thuỷ cũng cho rằng: khi các dòng khí chuyển dịch hỗn loạn thì tác động không tốt đối với chủ thể công trình. Nếu cá nhân chủ thể công trình có nhận thức được điều này sẽ tự khắc điều chỉnh lại (tức là cải tạo sửa chữa), nếu không thì chính sự bất thường này sẽ tạo bất lợi tới chủ nhân công trình đó. Nếu là cơ sở sản xuất kinh doanh thì sẽ thua thiệt, phá sản và rồi dễ bị các cá nhân khác thâu tóm dẫn đến sự thay đổi công trình.

Trong kiến trúc hiện đại ngày nay, có một bộ môn nghiên cứu mà về cách thức vận hành và ứng dụng cũng có những điểm tương đồng với các phương pháp ứng dụng trong Phong thuỷ cổ truyền. Có thể kể đến  môn Vật lý kiến trúc. Vật lý Kiến trúc khi nghiên cứu sự phân bổ của gió tự nhiên trong phòng thì đưa ra những quy luật là không tạo các cửa đối nhau, kể cả khi cửa sổ đối diện với cửa phòng. Lý do là khi các cửa đối nhau này hình thành thì dễ tạo các luồng gió xuyên phòng đột ngột không có lợi cho người ở. Còn khi lưu thông không khí trong phòng kém, dễ tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn yếm khí hoạt động, điều này không tốt cho sức khoẻ con người. Trong Phong thủy cũng vậy, sự vận hành của dòng khí rất được coi trọng và cũng không chấp nhận sự đối môn. Giả dụ như, nếu gặp ba cửa liên tiếp thì các phong thuỷ gia kinh nghiệm sẽ lập tức chuyển cửa thứ ba sang một bên, hoặc sử dụng bình phong để thay đổi sự vận hành của dòng khí theo quan niệm Phong thuỷ. Đó chính là những điểm tương đồng của cấu trúc hình thể trong Phong thuỷ với Vật lý kiến trúc.

Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua hình minh hoạ dưới đây trong Vật lý kiến trúc.

Trong các nguyên lý thiết kế kiến trúc cơ bản cũng thấy có sự tương đồng. Ví dụ như khi quan sát một khu đất để đưa ra bố cục công trình, thì một kiến trúc sư có nghề luôn phải chú trọng tìm đường to phố lớn, các trục giao thông chính để hướng công trình mình thiết kế về chỗ đó. Còn trong phương pháp ứng dụng của Phong thuỷ cũng lấy dương làm hướng, tức là cũng tìm luồng chảy của con sông, mặt hồ, hay luồng người đi lại trên đường phố để đón lấy dòng sinh khí vậy. Hai khái niệm khác nhau của hai bộ môn khác nhau, nhưng đích đến thì hoàn toàn có sự thống nhất.

Hình ảnh một công trình Kiến trúc Tây phương có sự cân bằng và hài hòa Âm Dương theo cái nhìn của phong thủy Đông phương 

PHONG THUỶ KHÔNG CHỈ XUẤT HIỆN Ở PHƯƠNG ĐÔNG

Ở đất nước có nền kinh tế, kỹ thuật phát triển đứng hàng đầu trên thế giới như nuớc Mỹ, nơi mà duờng như chỉ biết đến kiến trúc hiện đại, nhưng đâu đó chúng ta cũng thấy được những công trình tầm quốc gia mang những yếu tố tốt lành về Phong thủy.

Washington DC – tòa nhà rất quan trọng với sự thịnh suy của nước Mỹ. Duới góc nhìn về Phong thủy phải thừa nhận công trình này có vị trí tọa lạc rất tương xứng, nằm phía tả ngạn sông Potomac nơi có thể coi là một vị trí két huyệt rất lý tuởng. Nhà quy hoach đã thiết kế trục quảng tr đón vuợng khí từ phía con sông này dẫn lại. Kết hợp thêm những yếu tố về mặt Loan đầu như tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền Chu tuớc và hậu Huyền vũ đã giúp tòa nhà này của nuớc Mỹ đã trở thành 1 tòa nhà có vị thế đáng nể trên thế giới.

Trở về Phuơng Đông huyền vĩ, một trong số các nuớc có nền kinh tế và ứng dụng khoa học Kỹ thuật vào bậc nhất như Singapore, Phong thủy cũng không phải là yếu tố bỏ qua. Chúng ta sẽ quan sát và phân tích hình ảnh đề hiều rõ thêm về Phong thủy nhất là tính hình tượng , một trong những yếu tố làm nên Phong thủy

Chúng ta đều biết Singapore là một nước rất phát triển cả về khoa học kỹ thuật và công nghệ hiên đại nhưng không vì thế mà vấn đề phong thủy bị xem nhẹ. Ngay trong tòa nhà Chính phủ của nước này này cũng đã được thiết kế khá chuẩn mực dưới góc độ Phong thủy. Nếu nhìn bề ngoài, ở vị trí thông thường, tòa nhà chỉ  hài hòa về đường nét khién cho chúng ta có một cái nhìn thiện cảm mà chưa có gì đặc biệt mang tính Phong thủy. Tuy nhiên, nếu sử dụng bản đồ vệ tinh Google người ta sẽ nhận thấy ý đồ về Phong thủy trong công trình này. Tòa nhà được thiết kế theo dạng hình chữ T (Theo cách gọi cổ là dạng nhà hình chữ Đinh). Với hình thể này, chúng ta có thể hình tượng ra hình ảnh một Con Triện và người đưa ra ý tưởng thiết kế đã thêm vào trước mặt Con Triện đó một vườn hoa hình tròn để tạo nên một con dấu. Như vậy là đã hoàn thành một chỉnh thể Triện và dấu đi cặp với nhau. Những gì diễn ra trên chính trường thế giới đã cho thấy Singapore là đất nước nhỏ bé nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn.

Ở Việt Nam, cũng có những công trình mà theo quan sát của những chuyên gia  Phong thủy thì thấy cũng có những ý đồ tương tự nhằm tạo nên những hình tượng đẹp và mang ý nghĩa sâu sắc về Phong thủy. Tiêu biểu phải kể đến Dinh Độc lập ở TP Hồ Chí Minh.

Quan sát trên hình ảnh từ trên cao, Tòa nhà Dinh Độc lập cũng được thiết kế mang hình tượng cái triện và con dấu . Rất có thể đây là một ý đồ của kiến trúc sư, hình tượng này mang ý nghĩa về quyền lực, cho nên tòa nhà này một thời cũng có những vị thế quyền lực nhất định trong xã hội. Tuy nhiên, khi đứng ở góc quan sát bên ngoài thì tòa nhà này lại mang một hình tượng khá xấu xét theo quan điểm phong thủy đó là hình tượng lộ cốt. Vì thế mà chủ nhân hoặc người đứng đầu sử dụng công trình này không thịnh vượng lâu dài.

Cách đây vài năm, một trong những công trình cấp cao mới đuợc đưa vào sử dụng, đầu tư rất nhiều về tiền của, mẫu thiết kế cũng đuợc xép hạng cao, lại do nhà thầu tư vấn nuớc ngoài, nhưng thực tế khi đưa vào sử dụng lại không đuợc sự huởng ứng của nhiều nguời. Duới góc nhìn về Phong thủy, nguời viết cho rằng cũng có những lý do cần bàn tới, nhất là xét duới góc độ tính hình tuợng trong Phong thủy.

Thật vậy, đứng duới góc nhìn phối cảnh quan sát chúng ta có thể thấy rõ những mái luợn nhấp nhô của tòa nhà này. Xét về Ngũ hành những mái cong uốn luợn dạng này mang yêu tố hành Thủy, phong thủy có câu: “hình nào, khí ấy” hình Thủy dễ sinh khí Thủy vuợng, thêm nữa khu vực tọa lạc của công trình này lại thuộc một trong những khu đất thấp trũng trong vùng nên đó rất có thể là một trong những yếu tố về phong thủy liên quan đến những lụt lội lớn xảy ra tại khu vực này. Với góc nhìn phía bên  ngoài, chắc hẳn có ai đó liên tuởng ra những mái nhà nằm nhấp nhô trong con nuớc vao ngày lũ một liên tuởng không tốt lành. Với Phong thủy, hình tuợng không tích cục thuờng có những tác động không hay đối với hoạt động của công trình.

Qua những ví dụ kể trên ta có thể thấy những ảnh huởng của Phong thủy là không thể coi thuờng vì thế khi xây dựng hoặc thiết kế công trình, yếu tố Phong thủy cũng không nên bỏ qua.

Tòa nhà chính phủ Singapore 

KẾT LUẬN:

Có thể nói Khoa Phong thuỷ chính là sản phẩm sáng tạo của con người, nó được sớm hình thành cùng với sự phát triển của loài người từ xã hội sống quần cư đến xã hội văn minh, nó dựa vào các quy luận vận động khách quan và được tổng hợp lại bởi những tri thức của người xưa, nó có nhiều điểm tương đồng với các môn khoa học về xây dựng của Phương Tây. Trong ứng dụng lại thấy có nhiều sự hợp lý đáng chú ý. Do vậy việc nhìn nhận môn Phong thuỷ như một đối tượng nghiên cứu của khoa học để đưa vào ứng dụng trong xây dựng là một việc làm cần thiết nhằm phục vụ đời sống con người.

KTS Phạm Cương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *